Sự Sáng Tạo Đầu Tiên (Sáng-thế Ký 1:1–2:3)
Tác giả: David Carr
Dịch sang tiếng Việt: Bùi Thị Kim Thanh, Hội Thần Học Thánh Kinh Việt Nam
Đứng đầu toàn bộ Kinh Thánh, Sáng-thế Ký 1:1–2:3 là một trong những câu chuyện trong Kinh Thánh có ảnh hưởng nhất liên quan đến Đức Chúa Trời, vũ trụ và vai trò của loài người trong vũ trụ. Đức Chúa Trời mà chúng ta thấy ở đây là một vị vua vũ trụ, thi hành chức năng (như nhiều vị vua cổ đại đã làm) như một vị lãnh đạo tối cao và cũng là thầy tế lễ thượng phẩm. Phân đoạn Kinh Thánh này mô tả vũ trụ như một ngôi đền thờ là nơi mà Đức Chúa Trời chủ trì và ban phước lành. Trong bối cảnh của Sáng-thế Ký 1:1–2:3, con người được xem như là hình tượng trên thế gian của Đức Chúa Trời (được tạo ra từ hình ảnh và giống như Đức Chúa Trời), phản ảnh quyền tể trị và sáng tạo của Đức Chúa Trời xuyên qua cách con người quản trị các loài tạo vật, cũng như khả năng sáng tạo con trẻ. Phân đoạn Kinh Thánh này không phải là một câu chuyện có căn cứ trên khoa học về nguồn gốc của vũ trụ, và chúng ta cũng không thể làm cho nó tương thích với khoa học hiện đại. Thay vào đó, đây là một câu chuyện của các nhà thần học, có mục đích nhằm thể hiện sức mạnh tối thượng của Đức Chúa Trời trên vũ trụ và cách mà con người chia sẻ sức mạnh đó.
Có phải Sáng-thế Ký 1 mô tả sự sáng tạo muôn vật từ trạng thái phi vật thể?
Câu đầu tiên của Sáng-thế Ký 1 thường được dịch là “Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời và đất,” nhiều người hình dung Đức Chúa Trời làm phép ảo thuật trên các thành phần của vũ trụ như một ảo thuật gia: “Phải có … thì có như vậy.” Nhưng nghiên cứu lịch sử cho rằng cách phiên dịch truyền thống này là sai. Thay vào đó, hai câu đầu tiên của Kinh Thánh chủ ý mô tả trạng thái hỗn độn có trước sự sáng tạo vũ trụ theo trật tự của Đức Chúa Trời: “khi Đức Chúa Trời bắt đầu dựng nên trời và đất — và trái đất là vô hình và trống-không, sự mờ-tối ở trên mặt vực, và gió thánh bay lơ lửng trên mặt nước — Đức Chúa Trời phán rằng …” Ban đầu, có thể nói, là một sự hỗn độn. Tiếp theo, phần còn lại của Sáng-thế Ký 1 mô tả cách Đức Chúa Trời biến đổi sự hỗn độn đen tối đó thành ra một vũ trụ “rất tốt,” có trật tự, có người ở. Đầu tiên Đức Chúa Trời tạo ra sự sáng, và điều này giúp đặt nền tảng cho mô hình “ngày và đêm” làm chủ phần còn lại của Sáng-thế Ký 1. Vào ngày thứ hai, Đức Chúa Trời sáng tạo một cái vòm (thường được dịch là “bầu trời”) để làm nên một khoảng không giữa các đại dương nguyên thủy ở trên và ở dưới, trong đó các phần còn lại của sự sáng tạo có thể phát triển tốt đẹp. Ngày thứ ba đem đến việc tạo nên đất liền và Đức Chúa Trời ra lệnh cho vùng đất liền đó mọc lên cây cỏ. Ba ngày tiếp theo, mỗi ngày tương ứng với một trong ba ngày đầu tiên: Đức Chúa Trời tạo ra các ánh sáng trên trời vào ngày thứ tư, tương ứng với sự sáng vào ngày thứ nhất; Đức Chúa Trời tạo ra các sinh vật ở biển và trên trời vào ngày thứ năm để sinh sống trong các cõi được dựng nên vào ngày thứ hai; và Đức Chúa Trời tạo ra các động vật và loài người vào ngày thứ sáu để sống trên vùng đất liền được tạo ra trong ngày thứ ba và để ăn những cây cỏ được mọc lên sau đó. Từ đầu tới cuối, Đức Chúa Trời phán những mệnh lệnh như một hoàng đế, và những mệnh lệnh của Ngài được thực thi, đánh dấu bằng các thông báo “thì có như vậy.” Sau đó, Đức Chúa Trời nhìn vào công việc của Ngài làm và tuyên bố “điều đó là tốt lành.” Quả thực như vậy, sau khi tạo ra các động vật và loài người vào ngày thứ sáu, Đức Chúa Trời tuyên bố vũ trụ có người ở là “rất tốt.” Nếu có một thông điệp mà Sáng-thế Ký 1 muốn bày tỏ về Đức Chúa Trời và vũ trụ, thì đó là Đức Chúa Trời tể trị và thế giới mà Ngài sáng tạo là “rất tốt.” Lưu ý rằng sự nhấn mạnh trong suốt chương 1 là về quyền năng của Đức Chúa Trời tổ chức sự sáng tạo các thành phần khác nhau của một ngôi đền vũ trụ, chứ không phải là sự sáng tạo muôn vật một cách kỳ diệu từ trạng thái phi vật thể của vũ trụ. Ý tưởng chính là sự tốt đẹp của sự sáng tạo và vai trò của con người trong đó.
Có phải từ “ngày” trong Sáng-thế Ký 1 mang ý nghĩa “thời đại”?
Một số người đã đề xuất rằng Sáng-thế Ký 1 có thể tương thích với khoa học hiện đại nếu người ta hiểu từ ngữ “ngày” trong câu chuyện hàm ý một “kỷ nguyên” có khả năng kéo dài hàng ngàn hoặc thậm chí hàng trăm ngàn năm. Điều mà các những độc giả này chệch mục tiêu là toàn bộ cấu trúc sáu ngày của Sáng-thế Ký 1 dẫn đến một kết luận dựa trên một tuần lễ thực sự: Đức Chúa Trời nghỉ (tiếng Hê-bơ-rơ shabbat) và ban phước cho ngày thứ bảy (Sáng-thế Ký 2:1–3). Không có câu chuyện về sự sáng thế cổ đại nào được cấu tạo theo cách này. Một vài câu chuyện sáng tạo mô tả các vị thần nghỉ ngơi sau sự sáng tạo, nhưng đó chỉ vì họ đã tạo ra con người để làm việc cho họ. Chỉ có Sáng-thế Ký 1 mô tả sự sáng tạo là một quá trình bảy ngày và cao điểm của quá trình bảy ngày này là việc Đức Chúa Trời thiết lập một ngày nghỉ hàng tuần mà vào ngày đó không chỉ có Đức Chúa Trời mà cả con người cũng được nghỉ ngơi (ví dụ, Xuất Ê-díp-tô Ký 20:8–11, 31:12–17).
Ngày nghỉ Sa-bát này không phải là một gánh nặng mà là một cách mà con người có thể phản ánh “hình ảnh và giống như” Đức Chúa Trời. Vì vậy, giải nghĩa “những ngày” của Sáng-thế Ký 1:1–2:3 là “những kỷ nguyên” hay tương tự vậy là chệch mục tiêu điểm nhấn mạnh trong câu chuyện này, đó là việc Đức Chúa Trời thiết lập một ngày nghỉ Sa-bát trong tuần mà tất cả chúng ta đều biết.
Bibliography
- Levenson, Jon D. Creation and the Persistence of Evil: The Jewish Drama of Divine Omnipotence. San Francisco: Harper & Row, 1988.
- Clifford, Richard J. Creation Accounts in the Ancient Near East and in the Bible. Washington, D.C.: Catholic Biblical Association of America, 1994.
- Smith, Mark S. The Priestly Vision of Genesis 1. Minneapolis: Fortress, 2010.