Lu-ca có phải là một sử gia không?
Tác giả: Brent Landau
Dịch sang tiếng Việt: Bùi Kim Thanh Hội Thần Học Thánh Kinh Việt Nam
Bốn câu đầu của sách Tin Lành Lu-ca là một lời mở đầu độc đáo nêu rõ mục đích và phương pháp Lu-ca dùng để viết sách của mình. Lu-ca sử dụng các nguồn văn bản đã có trước về cuộc đời của Giê-su, tác giả thu thập các tài liệu của các nhân chứng. Lu-ca đã cẩn thận sắp xếp tất cả các tài liệu này vào một câu chuyện có thứ tự để cho một người tên là Theophilus có thể biết sự thật.
Cách Lu-ca bắt đầu sách Tin Lành của mình cho thấy rằng tác giả đã tự xem mình như là một sử gia. Thật vậy, lời mở đầu của Lu-ca cũng giống như những lời mở đầu khác được tìm thấy trong các văn bản cổ đại; các học giả thường phân loại dạng mở đầu này là dạng mở đầu thuộc thể loại lịch sử Greco-Roman.
Nhưng chúng ta không nên cho rằng các nhà văn cổ đại hiểu “lịch sử” như là chúng ta hiểu “lịch sử” theo ý nghĩa của nó ngày nay. Trong cuốn History of the Peloponnesian War (Lịch sử về cuộc chiến Peloponnesian). Nhà văn và sử học cổ đại Hy Lạp Thucydides của thế kỷ thứ năm TCN đã cho chúng ta biết một điều thú vị: mặc dù ông đã cố gắng hết sức để ghi lại chính xác các bài phát biểu của các tướng lĩnh và các nhà lãnh đạo, nhưng Thucydides cho chúng ta biết rằng điều này không phải lúc nào cũng có thể làm được. Cho nên trong những trường hợp như vậy, Thucydides đã tự mình “phát minh” ra các bài phát biểu dựa trên những gì mà ông tưởng tượng ra các nhà lãnh đạo cần phải nói trong hoàn cảnh đó.
Tất nhiên, trong xã hội ngày nay, bịa đặt các bài phát biểu sẽ mang lại kết quả nặng nề cho bất kỳ nhà sử học chuyên nghiệp nào, ví dụ như bị tước giải Pulitzer của mình. Tuy nhiên, trong thời cổ đại việc pha trộn sự thực và hư cấu được xem là hoàn toàn phù hợp. Nhận thức về những nguyên tắc viết lịch sử cổ đại này sẽ khiến chúng ta cực kỳ thận trọng khi cho rằng tác giả Tin Lành Lu-ca là một “nhà sử học” đúng theo ý nghĩa của một “nhà sử học” hiện đại.
Khi chúng ta xem xét Tin Lành Lu-ca, chúng ta thấy một sự pha trộn giữa dữ liệu lịch sử vững chắc và sự tái tạo giàu trí tưởng tượng. Hãy xem xét Lu-ca 13:1–5 để đoán biết kiến thức của tác giả về các nguồn lịch sử. Trong đoạn văn ít được nhiều người nghiên cứu này, Chúa Giêsu nói về ý nghĩa của hai sự kiện bi thảm: 1) Pontius Pilate và vụ hành quyết gây sốc của một số người Ga-li-lê đang hiến tế tại đền thờ Jerusalem và 2), vụ tòa tháp Siloam sụp đổ chết mười tám người. Cả hai sự kiện được đề cập trong Lu-ca 13:1–5 đều không được chứng thực bất kỳ nguồn tài liệu nào khác, nhưng cả hai đều rất có thể đã xảy ra vì chúng là những sự kiện tương đối có thể xảy ra một cách thường xuyên: Phi-lát cai trị tàn nhẫn trong nhiều trường hợp, và các tòa nhà thường hay bị sụp đổ. Để ghi nhận lại được hai sự kiện không mấy quan trọng này xảy ra ở Jerusalem vào những năm 20 CN, Lu-ca đã phải tham khảo một số nguồn tài liệu gồm cả những nhân chứng đáng tin cậy.
Mặt khác, Lu-ca ghi lại một số sự kiện làm giảm uy tín của mình. Một ví dụ nổi bật là Lu-ca 2:1–7, cuộc điều tra dân số trên toàn thế giới do Hoàng đế Augustus ra lệnh khi Quirinius là thống đốc Syria, một sự kiện lịch sử mà Lu-ca ghi lại với mục đích là để lồng câu chuyện Joseph và Mary đang mang thai trở lại Bethlehem trong bối cảnh lịch sử đó.
Trước hết, chúng ta không có ngoại chứng về người La Mã đã làm một cuộc kiểm tra dân số trên toàn đế chế; thay vào đó, chúng ta biết các cuộc kiểm tra dân số luôn được quản lý ở cấp độ của từng tỉnh huyện địa phương. Thứ hai, một cuộc điều tra dân số của tỉnh Judea mà chính quyền La Mã đã thực hiện dưới thời Quirinius mà Lu-ca đã ghi lại là chính xác. Tuy nhiên, Quirinius bắt đầu nhậm chức vào năm 6 CN, trong khi Lu-ca 1:5 quả quyết rằng Chúa Giê-su được sinh ra trước cái chết của Herod Đại đế vào năm 4 TCN. Vì vậy, một khoảng cách 10 năm giữa năm mà Lu-ca ghi lại rằng Giê-su được sinh ra và năm Quirinius kiểm tra dân số. Thứ ba, một cuộc kiểm tra dân số đòi hỏi tất cả mọi người trên khắp Đế chế La Mã quay trở lại quê hương của mình để nộp thuế sẽ là một cơn ác mộng hậu cần. Chắc chắn người La Mã cai trị rất tàn nhẫn, nhưng cách họ làm việc cũng rất hiệu quả.
Vậy làm thế nào để chúng ta giải thích rằng một sách Tin Lành có thể tin cậy được về các sự kiện lịch sử không đáng kể nhưng lại không hợp lý về một sự kiện lịch sử có tầm mức quan trọng lớn? Có thể Lu-ca tin rằng sự ra đời của Chúa Giêsu có tầm quan trọng đối với toàn thế giới cho nên tác giả đã lồng sự ra đời của Giêsu vào một bối cảnh lịch sử của một sự kiểm tra dân số của một hoàng đế La Mã, một người cai trị toàn thế giới, và một người cũng được gọi là “đấng cứu thế” và “con trai của Chúa” (mặc dù tự bản thân hoàng đế La Mã không sánh được với các danh hiệu này). Đối với một nhà sử học cổ đại theo bước chân của Thucydides, một quy trình như vậy có thể được hoàn toàn chấp nhận.
Bibliography
- Bovon, François. Luke the Theologian. 2nd ed. Waco, TX: Baylor University Press, 2006.
- Barrett, C. K. Luke the Historian in Recent Study. London: Epworth, 1961. Repr., Eugene, OR: Wipf and Stock, 2009.
- Marshall, I. Howard. Luke: Historian and Theologian. 3rd ed. Downers Grove, IL: InterVarsity Press, 1998.